Kích vào đây để xem file scan bản gốc Thông tư số 05/2021/TT-BQP gồm cả văn bản 917/KHĐT-ĐT và biểu mẫu đấu thầu.
BỘ QUỐC PHÒNG
CỤC KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
_________
Số: 917/KHĐT-ĐT
V/v: Hướng dẫn thực hiện Thông tư số 05/2021/TT-BQP ngày 12/01/2021 của BQP thay thế Thông tư số 88/2017/TT-BQP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------------------------
Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2021
Ngày 12/01/2021, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) đã ký ban hành Thông tư số 05/2021/TT-BQP quy định một số nội dung về lựa chọn nhà thầu trong phạm vi quản lý của BQP (Thông tư số 05/2021/TT-BQP). Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2021 và thay thế cho Thông tư số 88/2017/TT-BQP ngày 17/4/2017 và Thông tư số 191/2017/TT-BQP. Cục Kế hoạch và Đầu tư/BQP hướng dẫn thực hiện một số nội dung cần lưu ý của Thông tư số 05/2021/TT-BQP như sau:
# 1. Hạn mức phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) đối với các gói thầu thuộc dự toán mua sắm
- Nâng hạn mức ủy quyền phê duyệt KHLCNT từ 10,0 tỷ đồng lên 25,0 tỷ đồng đối với các gói thầu thuộc dự toán mua sắm cho đầu mối trực thuộc Bộ.
- Nghiêm cấm việc chia nhỏ dự toán (dự toán ngân sách do Bộ giao, dự toán cấp thẩm quyền phê duyệt; dự toán được xác định trên cơ sở nhu cầu trong vòng 12 tháng tiếp theo) thành các gói thầu có giá trị thấp hơn hạn mực trên để tự phê duyệt, áp dụng hình thức đấu thầu kém cạnh tranh hơn hoặc gộp các gói thầu có nội dung khác nhau để không phải áp dụng hình thực qua mạng.
Ví dụ:
- Bộ Quốc phòng giao cho đơn vị A (đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ) dự toán ngân sách năm 2021 là 60 tỷ đồng để mua xăng dầu bảo đảm hoạt động thường xuyên của đơn vị. Đơn vị A phải lập Tờ trình báo cáo Bộ phê duyệt dự toán và KHLCNT đối với toàn bộ ngân sách được giao, không được chia nhỏ thành 3 đợt (20 tỷ đồng cho 01 đợt) để tự phê duyệt; - Nhu cầu sử dụng giấy in của đơn vị A trong 12 tháng là 500 ram tương đương 500 triệu đồng. Nhưng đơn vị đã thực hiện lập và phê duyệt 6 dự toán và KHLCNT với giá trị nhỏ hơn 100 triệu đồng để áp dụng hình thức chỉ định thầu, kém cạnh tranh hơn.
- Dự án sửa chữa nhà làm việc của đơn vị A có nội dung mua thiết bị phòng cháy chữa cháy (hàng hóa kinh doanh có điều kiện) có giá trị 7 tỷ đồng và nội dung mua máy điều hòa có giá trị 5 tỷ đồng. Theo quy định, Chủ đầu tư phải lập thành 02 gói thầu và tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng. Tuy nhiên, Chủ đầu tư đã gộp 02 nội dung trên thành 01 gói thầu có giá trị 12 tỷ để không phải đấu thầu rộng rãi qua mạng; việc gộp hàng hóa kinh doanh có điều kiện với hàng hóa được bán phổ biến trên thị trường sẽ làm hạn chế các nhà thầu vì nội dung kinh doanh thiết bị phòng cháy chữa cháy thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện, nhà thầu phải có giấy phép kinh doanh và người đứng đầu doanh nghiệp phải có chứng chỉ đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật (không phải nhà thầu nào cũng đáp ứng được yêu cầu này).
# 2. Quy định về áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu
Đối với hình thức đấu thầu hạn chế: Không quy định các trường hợp cụ thể mà yêu cầu thực hiện đúng quy định tại Điều 21 Luật Đấu thầu.
Đối với hình thức chỉ định thầu các gói thầu cần thực hiện để bảo vệ bí mật nhà nước: Các đơn vị khi lập, thẩm định KHLCNT phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng quy định tại Quyết định số 82/QĐ-TTg ngày 17/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ để đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu theo đúng quy định. Trong quá trình thẩm định, cơ quan thẩm định có thể xin ý kiến của cơ quan bảo vệ an ninh quân đội cùng cấp để đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
# 3. Bỏ nội dung quy định về giảm trừ chi phí đối với các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu, tự thực hiện.
# 4. Quy định về thẩm quyền phê duyệt KHLCNT mua thuốc, vật tư y tế đối với các Bệnh viện trực thuộc BQP
Theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 9 Thông tư số 05/2021/TT-BQP, các Bệnh viện trực thuộc BQP: Bệnh viện TWQĐ 108, Bệnh viện 175/BQP; Viện y học cổ truyền Quân đội phải trình Bộ phê duyệt KHLCNT mua thuốc, vật tư y tế.
# 5. Quy định về đấu thầu quốc tế
Điều 16 Thông tư 05/2021/TT-BQP viện dẫn các đường link hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
# 6. Quy định về đăng tải thông tin và bảo mật thông tin
Trường hợp các dự án/dự toán mua sắm có xác định độ mật; Tuy nhiên, có loại hàng hóa được bán phổ biến trên thị trường, Chủ đầu tư/ Bên mời thầu phải thực hiện đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh hoặc phải đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh qua mạng.
Chủ đầu tư/Bên mời thầu chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền tách thành các Quyết định phê duyệt KHLCNT khác nhau (Quyết định các gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu rộng rãi hoặc qua mạng không thực hiện bảo mật và Quyết định các gói thầu cần thực hiện bảo mật) để thực hiện bảo đảm bí mật trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Đối với các quyết định phê duyệt KHLCNT tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, các nội dung cần bảo mật như: tên Quyết định phê duyệt dự án/dự toán mua sắm được xác định độ mật; quy chế sử dụng ngân sách dự trữ ngoại hối; nguồn ngân sách dự trữ ngoại hối; tên dự án/dự toán mua sắm được xác định độ mật,... phải mã hóa để đảm bảo bí mật. Cơ quan thẩm định KHLCNT có trách nhiệm liên hệ với cơ quan Bảo vệ an ninh Quân đội cùng cấp thực hiện mã hóa phù hợp với quy định để bảo đảm an toàn thông tin, trách lộ lọt bí mật quân sự khi đăng tải (như quy định tại văn bản số 1008/KHĐT-BQP ngày 22/3/2020 của Bộ Quốc phòng).
Ví dụ:
+ Dự án sửa chữa máy bay chiến đấu, được xác định độ mật "Tối mật" nhưng có gói thầu mua máy nén khí phổ thông, được bán phổ biến trên thị trường. Trường hợp này thì Chủ đầu tư phải chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền phê duyệt 02 Quyết định phê duyệt KHLCNT, trong đó:
++ 01 Quyết định được mã hóa các nội dung cần bảo mật sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan bảo vệ an ninh quân đội cùng cấp, phê duyệt KHLCNT đối với gói thầu mua sắm máy nén khí phổ thông, áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi để thực hiện việc đăng tải thông tin theo quy định.
++ 01 Quyết định phê duyệt KHLCNT đối với các gói thầu khác của dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu với lý do bảo đảm bí mật nhà nước không phải thực hiện đăng tải thông tin về đấu thầu theo quy định.
# 7. Quy định trách nhiệm của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị
Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị được thành lập ở 02 cấp (Cấp Bộ Quốc phòng và cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng) để tư vấn giải quyết kiến nghị bảo đảm phù hợp với nội dung phân cấp ủy quyền phê duyệt KHLCNT trong Thông tư 05/2021/TT-BQP ngày 12/01/2021 và trách nhiệm của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
# 8. Quy định về trách nhiệm của tổ chức pháp chế ở các cấp
Tổ chức pháp chế ở các cấp có trách nhiệm thẩm định về pháp lý đối với dự thảo hợp đồng của các gói thầu trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu (điểm c, điểm d Khoản 3 Điều 14, Điều 32 của Thông tư 05/2021/TT-BQP ngày 12/01/2021). Trong quá trình thẩm định, tổ chức pháp chế các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Quân Đội thực hiện theo hướng dẫn nghiệp vụ chuyên ngành của Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng.
# 9. Quy định về chuyển tiếp
- KHLCNT, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả LCNT được phê duyệt trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 88/2017/TT-BQP ngày 17/4/2017 và các nội dung đã được phê duyệt.
- KHLCNT phê duyệt trước ngày 01/3/2021: Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phê duyệt vào thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Ví dụ:
KHLCNT mua xăng dầu được phê duyệt trước ngày 01/3/2021 và có quy định phải thực hiện giảm trừ do áp dụng hình thức chỉ định thầu. Thời gian bắt đầu tổ chức LCNT là Quý I/2021. Bên mời thầu lập Hồ sơ yêu cầu và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vào ngày 01/3/2021 thì không phải thực hiện quy định giảm trừ khi áp dụng hình thức chỉ định thầu.
# 10. Mẫu biểu kèm theo
Để thực hiện thống nhất trong toàn quân, Cục Kế hoạch và Đầu tư/BQP ban hành kèm theo mẫu Tờ trình phê duyệt dự toán, KHLCNT đối với các gói thầu thuộc dự toán mua sắm và Tờ trình phê duyệt KHLCNT đối với các gói thầu thuộc dự án.
Đề nghị các đơn vị nghiên cứu, tổ chức thực hiện Thông tư 05/2021/TT-BQP ngày 12/01/2021 bảo đảm đúng quy định. Các nội dung còn vướng mắc cần trao đổi, làm rõ trong quá trình tổ chức thực hiện Thông tư đề nghị gửi văn bản về Cục Kế hoạch và Đầu tư/BQP hoặc qua số điện thoại: 069.553.521 để thống nhất thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- C20 (để báo cáo T2 BQP);
- Lưu: VT, B8, VAT64.
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Đại tá Trần Anh Dũng
# Mẫu số 1 Tờ trình phê duyệt KHLCNT
Kích vào đây để tải file Word Mẫu số 1 Tờ trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
BỘ QUỐC PHÒNG
ĐƠN VỊ [ghi tên đơn vị đầu mối trực thuộc BQP
Số : /TTr-……
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------------------------
(Tỉnh, TP trực thuộc TW)….ngày….tháng….năm…
hoặc dự án [trường hợp trình cho cả dự án]
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26/11/2013; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;
Căn cứ Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính Phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng [đối với dự án đầu tư xây dựng];
Căn cứ các Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 quy định chi tiết về Kế hoạch lựa chọn nhà thầu; số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 quy định chi tiết việc cung cấp đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả;
Căn cứ Thông tư số 05/2021/TT-BQP ngày 12/01/2021 của Bộ Quốc phòng Quy định một số nội dung về lựa chọn nhà thầu trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Quyết định số …./QĐ-BQP ngày …/…./…. của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc phê duyệt … (viện dẫn đủ các Quyết định phê duyệt Dự án, điều chỉnh dự án, TKKT-DT đã được duyệt);
Các căn cứ liên quan khác (nếu có);
………(ghi tên đơn vị đầu mối trình duyệt) trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) trên cơ sở các nội dung dưới đây:
# I. MÔ TẢ TÓM TẮT DỰ ÁN
1. Tên dự án: 2. Chủ đầu tư: 3. Địa điểm xây dựng (đầu tư): 4. Mục tiêu đầu tư: 5. Quy mô đầu tư: 6. Tổng mứa đầu tư: ….. đồng.
Trong đó:
+ Chi phí xây dựng: đồng.
+ Chi phí thiết bị, doanh cụ: đồng.
+ Chi phí bồi thường, GPMB (nếu có): đồng.
+ Chi phí quản lý dự án: đồng.
+ Chi phí tư vấn ĐTXD: đồng.
+ Chi phí khác: đồng.
+ Chi phí dự phòng: đồng.
7. Nguồn vốn đầu tư:
8. Thời gian thực hiện dự án:
9. Phương thức thực hiện dự án:
10. Các thông tin khác (nếu có):
# II. PHẦN CÔNG VIỆC ĐÃ THỰC HIỆN
STT | Nội dung cộc việc hoặc tên gói thầu (1) | Đơn vị thực hiện (2) | Giá trị, đơn vị tính (3) | Văn bản phê duyệt (4) |
---|---|---|---|---|
1 | ||||
… | ||||
Tổng giá trị: …..[kết chuyển sang Bảng số 5] |
Ghi chú:
(1) Ghi tóm tắt nội dung công việc hoặc tên các gói thầu đã thực hiện.
(2) Ghi cụ thể tên đơn vị thực hiện.
(3) Ghi giá trị của phần công việc, ghi cụ thể đồng tiền.
(4) Ghi tên văn bản phê duyệt (Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, Quyết định giao việc,…)
# III. PHẦN CÔNG VIỆC KHÔNG ÁP DỤNG HÌNH THỰC LỰA CHỌN NHÀ THẦU
STT | Nội dung công việc (1) | Đơn vị thực hiện (2) | Giá trị, đơn vị tính (3) | |
---|---|---|---|---|
1 | ||||
… | ||||
Tổng giá trị: …..[kết chuyển sang Bảng số 5] |
Ghi chú:
(1) Ghi tóm tắt nội dung công việc và không bao gồm công việc đã kê tại Bảng 1.
(2) Ghi cụ thể tên đơn vị thực hiện (nếu có).
(3) Ghi giá trị của phần công việc, ghi cụ thể đồng tiền.
# IV. PHẦN CÔNG VIỆC THUỘC KẾ HOẠCH LỰA CHỌN NHÀ THẦU
# 1. Bảng tổng hợp phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
STT | Tên gói thầu | Giá gói thầu, đơn vị tính | Nguồn vốn | Hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu | Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu | Loại hợp đồng | Thời gian thực hiện hợp đồng |
---|---|---|---|---|---|---|---|
1 | |||||||
… | |||||||
Tổng giá gói thầu:…. [kết chuyển sang bảng số 5] |
# 2. Giải trình nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
a) Cơ sở phân chia các gói thầu: …………(giải trình cơ sở phân chia dự án thành các gói thầu. Việc phân chia dự án thành các gói thầu phải căn cứ vào nội dung dự án, tính chất của công việc, trình tự thực hiện theo thời gian và theo các nguyên tắc sau:
- Đảm bảo tính đồng bộ về mặt kỹ thuật và công nghệ của dự án, không được chia những công việc của dự án thành các gói thầu quá nhỏ, làm mất sự thống nhất, đồng bộ về kỹ thuật và công nghệ;
- Đảm bảo tiến độ thực hiện dự án;
- Đảm bảo quy mô hợp lý (phù hợp với điều kiện của dự án, năng lực của nhà thầu hiện tại và phù hợp với sự phát triển của thị trường trong nước…);
Việc chia dự án thành các gói thầu trái với quy định để thực hiện chỉ định thầu hoặc tạo điều kiện cho một số ít nhà thầu tham gia là hành vi bị cấm được quy định tại điểm k, khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu.
b) Tên gói thầu: Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan.
Lưu ý : Chỉ ghi tính chất của gói thầu (Mua sắm hoặc xây lắp hoặc tư vấn, hoặc phi tư vấn, hoặc hỗn hợp) [tên hàng hóa hoặc công việc thực hiện], không ghi mục tiêu hoặc mục đích sử dụng để thực hiện gói thầu trong tên gói thầu.
c) Giá gói thầu: Giá gói thầu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan.
- Trường hợp các gói thầu trình duyệt đã được phê duyệt TKBVTC-DT, TKKT-DT (hoặc áp dụng hình thức LCNT: Chỉ định thầu) thì lập Phụ lục dự toán gói thầu kèm theo Tờ trình. Nếu giá trị các hạng mục, nội dung công việc đơn vị phê duyệt dự toán tăng so với mức đầu tư dự án đã duyệt phải giải trình rõ lý do; trường hợp tăng giá trị do: bổ sung hạng mục, tăng (giảm) quy mô, điều chỉnh chủng loại thiết bị, hàng hóa (tính năng, TSKT), sử dụng chi phí dự phòng thì phải báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng cho phép trước khi trình KHLCNT.
- Trường hợp gói thầu trình duyệt chưa được phê duyệt TKBVTC-DT, TKKT-DT thì lập phụ lục giá gói thầu kèm theo Tờ trình.
- Giá các gói thầu Tờ trình phải xác định rõ đã bao gồm các loại thuế, phí,… (nếu có) và có giải thích cụ thể,… (trường hợp không nêu rõ được coi là đã đầy đủ các loại thuế phí…)
* Dự toán gói thầu mua sắm hàng hóa phải được xác định trên cơ sở tối thiểu 03 chào giá của 03 đơn vị cung cấp, phải đảm bảo các chào giá là hợp lệ theo quy định tại Phụ lục 5 (5A, 5B) Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT ngày 27/10/2015 của Bộ kế hoạch và Đầu tư.
d) Nguồn vốn: Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan.
Trong Tờ trình phải xác định rõ nguồn vốn, hoặc từng nguồn vốn đã được bố trí đến thời điểm trình duyệt KHLCNT; chỉ trình KHLCNT khi xác định được nguồn vốn để thực hiện gói thầu.
đ) Hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu:
Thực hiện đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan. Cụ thể:
+ Đối với từng gói thầu đề nghị áp dụng 1 trong 07 hình thức LCNT theo quy định từ Điều 20 đến Điều 26 Luật Đấu thầu, trong đó chủ động đề xuất áp dụng hình thức LCNT có tính cạnh tranh hơn. Trường hợp áp dụng hình thức khác không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi thì giải trình cụ thể và lý do áp dụng trong tờ trình.
+ Đối với gói thầu thuộc trường hợp chỉ định thầu quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu và đáp ứng điều kiện chỉ định thầu quy định tại khoản 2 Điều 22 nhưng vẫn có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại các điều 20, 21, 23 và 24 của Luật Đấu thầu thì khuyến khích áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác có tính cạnh tranh hơn.
+ Trường hợp gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu phải nêu lý do, bảo đảm phù hợp với các quy định tại Quyết định số 82/QĐ-TTg ngày 17/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Trường hợp gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu hạn chế theo quy định tại Điều 21 Luật Đấu thầu, trong tờ trình phải giải thích rõ các nội dung sau:
++ Yêu cầu cao về kỹ thuật so với yêu cầu thông thường, đồng thời phải chứng minh được chỉ có một số ít nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu;
++ Yêu cầu về mặt kỹ thuật có tính đặc thù (lĩnh vực công nghệ, tiêu chuẩn của ngành,…), đồng thời phải chứng minh được chỉ có một số ít nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu;
+ Phải xác định rõ trong Tờ trình thực hiện đấu thầu trong nước hay quốc tế. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, đơn vị phải căn cứ vào Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BKH&ĐT ngày 30/3/2018 của Bộ KH&ĐT và hàng hóa thông dụng đã được nhập khẩu, chào bán tại Việt Nam để xác định đấu thầu trong nước hay quốc tế cho phù hợp quy định của pháp luật về đấu thầu.
+ Trường hợp áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn, trong tờ trình phải giải trình rõ lý do áp dụng (quy mô, tính chất của gói thầu). Đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng trong tờ trình xác định chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ tham gia.
+ Phương thức lựa chọn nhà thầu: thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định có liên quan khác.
Các gói thầu đề nghị hình thức chỉ định thầu rút gọn, chào hàng cạnh tranh rút gọn không ghi phương thức lựa chọn nhà thầu.
đ) Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu: thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan; ghi cụ thể khoảng thời gian thực hiện tổ chức nhà thầu đối với từng hình thức LCNT.
g) Loại hợp đồng: Đơn vị trình duyệt phải đề nghị loại hợp đồng theo đúng quy định tại khoản 6 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan; Khi đề nghị áp dụng loại hợp đồng không phải là hợp đồng trọn gói, đơn vị phải làm rõ lý do áp dụng loại hợp đồng cho từng gói thầu trong KHLCNT trình phê duyệt.
h) Thời gian thực hiện hợp đồng: Thực hiện theo khoản 7 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan.
# V. PHẦN CÔNG VIỆC CHƯA ĐỦ ĐIỀU KIỆN LẬP KẾ HOẠCH LỰA CHỌN NHÀ THẦU (nếu có)
STT | Nội dung | Giá trị, đơn vị tính |
---|---|---|
1 | ||
… | ||
Tổng giá trị các phần công việc [kết chuyển sang Bảng số 5] |
# VI. TỔNG GIÁ TRỊ CÁC PHẦN CÔNG VIỆC
STT | Nội dung | Giá trị, đơn vị tính |
---|---|---|
1 | Tổng giá trị phần công việc đã thực hiện | |
2 | Tổng giá trị phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu | |
3 | Tổng giá trị phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu | |
4 | Tổng giá trị phần công việc chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có) | |
Tổng giá trị các phần công việc | ||
Tổng mức đầu tư của dự án | [ghi tổng mức đầu tư của dự án] |
# VII. KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở những nội dung phân tích trên, …. [ghi tên đơn vị đầu mối trực thuộc BQP] đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu…[đợt hoặc dự án] dự án:….[ghi tên dự án].
Kính trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Thủ trưởng BQP;
- Cục Kế hoạch và Đầu tư/BQP;
- Các cơ quan khác có liên quan _(nếu có)_;
- Lưu: VT;….(Đơn vị được giao lập Tờ trình);….(Tên cán bộ lập Tờ trình)..b.(xác định dộ Mật của văn bản theo quy định tại QĐ 82/QĐ-TTg ngày 17/9/2020)
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ ĐẦU MỐI TRỰC THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG
(cấp bậc, họ tên người ký)
# PHỤ LỤC TỜ TRÌNH
STT | Nội dung | Ghi chú |
---|---|---|
1 | Quyết định việc phê duyệt dự án; điều chỉnh dự án (nếu có) | Bản chụp |
2 | Quyết định về việc phê duyệt TKKT-DT (TKBVTC-DT) của dự án | Bản chụp |
3 | Văn bản phê duyệt nguồn vốn cho dự án (Thông báo vốn) | Bản chụp |
4 | Các văn bản phê duyệt tại Bảng số 1, Bảng số 2 | Bản chụp |
5 | Các chào giá, hoặc văn bản liên quan đến giá gói thầu | Bản chính |
6 | Các tài liệu có liên quan khác (nếu có): Văn bản chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ; Tờ trình của Chủ đầu tư;… | Bản chụp |
# Mẫu số 2 Tờ trình phê duyệt dự toán, KHLCNT các gói thầu thuộc dự toán mua sắm
Kích vào đây để tải file Word Mẫu số 2 Tờ trình phê duyệt dự toán, KHLCNT các gói thầu thuộc dự toán mua sắm.
BỘ QUỐC PHÒNG
ĐƠN VỊ [ghi tên đơn vị đầu mối trực thuộc BQP
Số : /TTr-……
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------------------------
(Tỉnh, TP trực thuộc TW)….ngày….tháng….năm…
_________
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26/11/2013; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;
Căn cứ các Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 quy định chi tiết về Kế hoạch lựa chọn nhà thầu; số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả;
Căn cứ Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu (trường hợp có áp dụng hình thức đặc biệt);
Căn cứ Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính Quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
Căn cứ Thông tư 05/2021/TT-BQP ngày 12/01/2021 của Bộ Quốc phòng Quy định một số nội dung về lựa chọn nhà thầu trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Quyết định số .../QĐ-BQP ngày .../.../... của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (hoặc văn bản cho phép mua sắm của cấp có thẩm quyền) về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất-mua sắm vũ khí trang bị kỹ thuật bằng nguồn ngân sách...;
Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn ưu đãi (nếu có);
Căn cứ Quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc văn bản về thông báo chỉ tiêu kế hoạch vốn mua sắm;
Các căn cứ liên quan khác (nếu có):
………… (ghi tên đơn vị đầu mối trình duyệt) trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, phê duyệt dự toán. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) trên cơ sở các nội dung dưới đây:
# I. TÓM TẮT KẾ HOẠCH MUA SẮM ĐƯỢC DUYỆT
Kế hoạch mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật bằng ngân sách … năm … của [Cấp trên đơn vị mua sắm, hoặc đơn vị mua sắm] đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng [hoặc Thủ trưởng đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ đối với các gói thầu thuộc dự án mua sắm có giá trị trên 25 tỷ đồng do Thủ trưởng đơn vị đầu mối quyết định mua sắm] phê duyệt tại Quyết định số …/QĐ-BQP ngày …/…/… [hoặc thông báo của Văn phòng BQP] với nội dung chính như sau:
1. Nội dung mua sắm:
a) Mua trong nước: … [ghi tên, số lượng các trang, thiết bị; vật tư].
b) Nhập khẩu: … [ghi tên, số lượng các trang, thiết bị; vật tư].
2. Đơn vị thực hiện: [tên đơn vị mua sắm].
3. Tổng giá trị mua sắm được giao kế hoạch: ….. [ghi giá trị].
4. Nguồn vốn và kế hoạch vốn mua sắm được giao: …… [ghi tên nguồn vốn].
5. Thời gian thực hiện: …… [ghi thời gian thực hiện của dự toán].
6. Các nội dung khác [nếu có]:
# II. DỰ TOÁN VÀ KHLCNT TRÌNH DUYỆT
# 1. Dự toán đề nghị phê duyệt:
a) Mua trong nước: Nêu tên, số lượng, giá trị các trang, thiết bị; vật tư mua sắm trong nước.
b) Nhập khẩu: Nêu tên, số lượng, giá trị các trang, thiết bị; vật tư nhập khẩu.
Tổng giá trị dự toán đề nghị phê duyệt là: … [Ghi rõ bằng VNĐ hoặc ngoại tệ và các loại thuế phí đối với hàng nhập khẩu (nếu có)].
# 2. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình duyệt:
# 2.1. Phần công việc đã thực hiện (nếu có):
STT | Nội dung công việc hoặc tên gói thầu (1) | Đơn vị thực hiện (2) | Giá trị, đơn vị tính (3) | Văn bản phê duyệt (4) |
---|---|---|---|---|
1 | ||||
… | ||||
Tổng giá trị: ……. [kết chuyển sang Bảng số 5] |
Ghi chú:
(1) Ghi tóm tắt nội dung công việc hoặc tên các gói thầu đã thực hiện.
(2) Ghi cụ thể tên đơn vị thực hiện.
(3) Ghi giá trị của phần công việc, ghi cụ thể đồng tiền.
(4) Ghi tên văn bản phê duyệt (Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, Quyết định giao việc,…).
# 2.2. Phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu (nếu có):
STT | Nội dung công việc (1) | Đơn vị thực hiện (2) | Giá trị, đơn vị tính (3) |
---|---|---|---|
1 | |||
… | |||
Tổng giá trị: …… [kết chuyển sang Bảng số 5] |
Ghi chú:
(1) Mô tả tóm tắt nội dung công việc và không bao gồm phần công việc đã kê tại Bảng 1.
Ghi cụ thể tên đơn vị thực hiện (nếu có).
Ghi giá trị của phần công việc; ghi cụ thể đồng tiền.
# 2.3. Phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
a) Bảng tổng hợp phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
STT | Tên gói thầu | Giá gói thầu, đơn vị tính | Nguồn vốn | Hình thức, phương thức LCNT | Thời gian bắt đầu tổ chứ LCNT | Loại hợp đồng | Thời gian thực hiện HĐ |
---|---|---|---|---|---|---|---|
1 | |||||||
… | |||||||
Tổng giá trị gói thầu: …… [kết chuyển sang Bảng số 5] |
b) Giải trình nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
- Cơ sở phân chia các gói thầu: ………. (giải trình cơ sở phân chia dự án thành các gói thầu. Việc phân chia dự án thành các gói thầu phải cắc cứ vào nội dung dự án, tính chất của công việc, trình tự thực hiện theo thời gian và theo các nguyên tắc sau:
+ Đảm bảo tính đồng bộ về mặt kỹ thuật và công nghệ của dự án, không được chia những công việc của dự án thành các gói thầu quá nhỏ, làm mất sự thống nhất, đồng bộ về kỹ thuật và công nghệ;
+ Đảm bảo tiến độ thực hiện dự án;
+ Đảm bảo quy mô hợp lý (phù hợp với điều kiện của dự án, năng lực của nhà thầu hiện tại và phù hợp với sự phát triển của thị trường trong nước…);
- Việc chia nhỏ dự toán thành các gói thầu trái với quy định để thực hiện chỉ định thầu hoặc tạo điều kiện cho một số ít nhà thầu tham gia là hành vi bị cấm được quy định tại điểm k, khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ lặp đi lặp lại, việc xác định giá gói thầu căn cứ vào các nội dung sau:
+ Nhu cầu sử dụng trong vòng 12 tháng tiếp theo để tránh chia nhỏ gói thầu;
+ Kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng của hàng hóa, dịch vụ tương tự trong vòng 12 tháng trước thời điểm phê duyệt KHLCNT, trên cơ sở phù hợp với khối lượng hàng hóa mua sắm và giá cả thị trường. Trường hợp không có kết quả LCNT qua mạng, căn cứ kết quả LCNT không qua mạng hoặc căn cứ tối thiểu 03 báo giá trên cơ sở phù hợp với khối lượng mua sắm và giá cả thị trường.
- Tên gói thầu: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan.
Lưu ý: Chỉ ghi tính chất của gói thầu (Mua sắm, tư vấn, phi tư vấn, hoặc hỗn hợp) [nội dung tổng quát tên hàng hóa hoặc công việc thực hiện], không ghi mục tiêu hoặc mục đích sử dụng để thực hiện gói thầu trong tên gói thầu.
- Giá gói thầu: Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan.
- Giá các gói thầu trong Tờ trình phải xác định rõ đã bao gồm các loại thuế, phí,... (nếu có) và có giải thích cụ thể,… (trường hợp không nêu rõ được coi là đã đầy đủ các loại thuế phí…).
* Dự toán gói thầu mua sắm hàng hóa phải được xác định trên cơ sở tối thiểu 03 chào giá của 03 đơn vị cung cấp, phải bảo đảm các chào giá là hợp lệ theo quy định tại Phụ lục 5 (5A, 5B), Thông tư số 05/2015/TT-BKHDT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các quy định tại Chương III Thông tư 175/2019/TT-BQP ngày 25/11/2019 của Bộ Quốc phòng.
- Nguồn vốn: Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan.
- Hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu:
+ Hình thức lựa chọn nhà thầu:
Thực hiện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan. Cụ thể:
+ Đối với từng gói thầu đề nghị áp dụng 1 trong 07 hình thức LCNT theo quy định từ Điều 20 đến Điều 26 Luật Đấu thầu, trong đó chủ động đề xuất áp dụng các hình thức LCNT có tính cạnh tranh hơn. Trường hợp áp dụng hình thức khác không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi thì phải giải trình cụ thể về lý do áp dụng trong tờ trình.
+ Đối với gói thầu thuộc trường hợp chỉ định thầu quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu và đáp ứng điều kiện chỉ định thầu quy định tại khoản 2 Điều 22 nhưng vẫn có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại các điều 20, 21, 23 và 24 của Luật Đấu thầu thì khuyến khích áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác có tính cạnh tranh hơn.
+ Trường hợp gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu phải nêu lý do, bảo đảm phù hợp với các quy định tại Quyết định số 82/QĐ - TTg ngày 17/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Trường hợp gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế theo quy định tại Điều 21 Luật Đấu thầu, trong tờ trình phải giải thích rõ các nội dung sau:
++ Yêu cầu cao về kỹ thuật so với yêu cầu thông thường, đồng thời phải chứng minh được chỉ có một số ít nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu;
++ Yêu cầu về mặt kỹ thuật có tính đặc thù (lĩnh vực công nghệ, tiêu chuẩn của ngành, ...), đồng thời phải chứng minh được chỉ có một số ít nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu.
+ Phải xác định rõ trong Tờ trình thực hiện đấu thầu trong nước hay quốc tế. Đơn vị phải căn cứ vào Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT ngày 30/3/2018 của Bộ KH&ĐT và hàng hóa thông dụng đã được nhập khẩu, chào bán tại Việt Nam để xác định đấu thầu trong nước hay quốc tế cho phù hợp quy định của pháp luật về đấu thầu.
+ Trường hợp áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn, trong tờ trình phải giải trình rõ lý do áp dụng (quy mô, tính chất của gói thầu).
+ Phương thức lựa chọn nhà thầu: thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan.
- Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu: Thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan; phải xác định cụ thể khoảng thời gian thực hiện tổ chức nhà thầu đối với từng hình thức lựa chọn nhà thầu.
- Loại hợp đồng: Đơn vị trình duyệt phải đề nghị loại hợp đồng theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan; khi áp dụng loại hợp đồng không phải là hợp đồng trọn gói, đơn vị phải giải trình làm rõ lý do áp dụng loại hợp đồng cho từng gói thầu trong KHLCNT trình phê duyệt (trừ trường hợp loại hợp đồng là trọn gói).
- Thời gian thực hiện hợp đồng: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan.
# 2.4. Phần công việc chưa đủ điều kiện lập KHLCNT (nếu có):
STT | Nội dung | Giá trị, đơn vị tính |
---|---|---|
1 | ||
… | ||
Tổng giá trị các phần công việc [Kết chuyển sang Bảng số 5] |
# 2.5. Tổng giá trị các phần công việc: … [bằng tổng các giá trị tại điểm 2.1, 2.2, 2.3 và 2.4 Mục này];
STT | Nội dung | Giá trị, đơn vị tính |
---|---|---|
1 | Tổng giá trị phần công việc đã thực hiện | |
2 | Tổng giá trị phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu | |
3 | Tổng giá trị phần công việc thuộc KHLCNT | |
4 | Tổng giá trị phần công việc chưa đủ điều kiện lập KHLCNT (nếu có) | |
Tổng giá trị các phần công việc | ||
Tổng giá trị kế hoạch mua sắm |
# III. KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở những nội dung phân tích nêu trên, … [ghi tên đơn vị đầu mối trực thuộc BQP] đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu: … [ghi tên kế hoạch mua sắm].
Kính trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Thủ trưởng BQP;
- Cục Kế hoạch và Đầu tư/BQP;
- Các cơ quan khác có liên quan _(nếu có)_;
- Lưu: VT;….(Đơn vị được giao lập Tờ trình);….(Tên cán bộ lập Tờ trình)..b.(xác định dộ Mật của văn bản theo quy định tại QĐ 82/QĐ-TTg ngày 17/9/2020)
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ ĐẦU MỐI TRỰC THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG
(cấp bậc, họ tên người ký)
# TẢI BIỂU MẪU
👉 Mời các đồng chí đọc online Thông tư số 05/2021/TT-BQP ngày 12/01/2021 của Bộ Quốc phòng Quy định một số nội dung về lựa chọn nhà thầu trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
👉 Các đồng chí nhớ cài app vào điện thoại IOS hoặc Android để thuận lợi tra cứu bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu nhé.